NewYork Paris Hà Nội Khách thứ :

NIỀM TIN TƯƠNG LAI

     

Thực phẩm chuyển đổi yếu tố di truyền - TS Mai Thanh Truyết , Kiều bào Mỹ

Có thể nói rằng ngày hôm nay còn rất nhiều người vẫn không lưu ý đến các loại thực phẩm dùng hàng ngày có sự hiện diện hay không các yếu tố chuyển đổi di truyền. Các loại thực phẩm nầy còn có tên là thực phẩm ma (Frankenstein foods). Theo ước tính của Greenpeace, một NGO quốc tế lưu tâm về cuộc cách mạng xanh cho thế giới trên thị trường hiện có khoảng 60% thực phẩm thuộc mọi thể dạng được chế biến bằng nguyên liệu có chứa yếu tố chuyển đổi di truyền.

Hầu hết các thực phẩm thuộc họ đậu trồng ở Hoa Kỳ đều có cấy giống di truyền từ một vi khuẩn (microbe) vào trong cây đậu để có thể chịu đựng và tăng trưởng bình thường đối với các hóa chất diệt cỏ dại. Tương tự, cây bắp được thêm vào một loại độc tố từ vi khuẩn (microbial toxin) để có thể tiêu diệt giống mọt (moth) hay ăn cuống lá bắp.

Trên đây là hai thí dụ điển hình về tình trạng cấy vi khuẩn làm thay đổi cơ cấu di truyền hoặc làm cho cây trái tăng trưởng nhanh, cho năng xuất cao, chống lại một số điều kiện khăc nghiệt như thời tiết lạnh hay nóng bất thường, chống lại một số hóa chất diệt cỏ dại, trừ sâu rầy, trừ nấm mốc v.v… Và kỹ thuật nầy lần lần lan dần và được áp dụng hầu hết trong việc trồng trọt ngũ cốc và cây trồng. Các quốc gia đang áp dụng kỹ thuật nầy nhiếu nhất phải kể đến Hoa Kỳ và Anh Quốc. Hiện tại đang lan dần đến Trung Quốc. Tuy nhiên, người Âu Châu (trừ Anh Quốc) và Úc Châu phản ứng rất mạnh về việc ứng dụng đem yếu tố di truyền vào cây cỏ; do đó, đã có những vụ kiện tụng trước Tổ chức Thương mãi thế giới (WTO) về các sản phẩm chuyển đổi di truyền của Hoa Kỳ nhập vào các thị trường trên.

Kỹ thuật di truyền có thể được xem là một thành quả cách mạng nông nghiệp ở những thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, trong đó Hoa Kỳ là một quốc gia đã tận dụng những thành quả nầy trong việc phát triển lương thực. Theo thống kê, hiện có 45 triệu mẫu (acres) đất nông nghiệp ở tại xứ nầy trồng những loại thưc phẩm có tên gọi là sinh công nghệ hay biotech, nghĩa là những loại cây trồng đã được chuyển đổi di truyền (transgenic) như đậu, bắp, khoai tây, lúa mì, cà chua, bông vải v.v…

Tứ đó, thực phẩm chúng ta tiêu dùng hàng ngày đa phần là loại thực phẩm được trồng tỉa bằng phương pháp chuyển đổi di truyền, trừ phi chúng ta dùng thực phẩm hữu cơ (organic food). Chúng ta không thể phân biệt được vì Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) chưa ra quy định cần phải ghi trên nhãn hiệu là thực phẩm nguyên gốc thiên nhiên (organic) hay là thực phẩm chuyển đổi di truyền.

Làm thế nào để có được yếu tố chuyển đổi di truyền thích hợp cho cây trái?

Đây là một kỹ thuật di truyền đặc biệt đòi hỏi trí suy luận, trình độ kỹ thuật và chuyên môn thâm sâu. Xin đan cử một thí dụ về cây dâu (strawberries). Từ nhận định ban đầu về yếu điểm của cây dâu là khi thời tiết trở lạnh, hay có sương muối (frost), cả cây lẫn trái dâu sẽ bị úng và chết. Từ tiền đề trên, câu hỏi được đặt ra là làm thế nào tăng cường khả năng đề kháng chống lạnh của cây dâu ở nhiệt độ thấp? Và câu trả lời của các nhà khoa học di truyền căn cứ vào loài cá ở vùng nước lạnh có yếu tố di truyền chống được lạnh. Do đó, con người có thể cắt (cut) yếu tố di truyền của cá, và cấy (paste) vào yếu tố di truyền của cây dâu. Điều nấy cũng giống như chúng ta làm cut-paste trong máy điện toán, hay đi xa hơn nữa, thay đổi các bộ phận của cơ thể như tim, gan, thận của con người.

Từ những giai đoạn trên, nhà khoa học di truyền phải :

1- Nghiên cứu và xác định được yếu tố DNA chịu lạnh trong cá;

2- Làm thế nào để tách rời yếu tố nầy;

3- Làm thế nào chuyển tải yếu tố trên vào cây dâu;

4- Và sau cùng DNA tách rời từ cá được thêm vào hay lại phải thay thế một yếu tố DNA khác trong thân cây dâu.

Lý giải những câu hỏi trên, cũng như sau khi tìm ra những kết luận thỏa đáng đáp ứng được nhu cầu của trí tuệ và kiểm chứng qua thực nghiệm, nhà khoa học mới mang ra áp dụng vào thực tế. Từ đó, cây dâu mang yếu tố di truyền chống lạnh ra đời. Sau cùng, sau một thời gian thử nghiệm các nhà khoa học cũng cần phải cải tiến để cho sức chịu đựng của cây dâu được tối ưu và năng suất cũng tăng theo.

Đây là một quá trình đầu tư dài hạn từ suy nghĩ cho đến thành tựu thường kéo dài từ vài năm đến hàng chục năm thu hút rất nhiều nhà khoa học di truyền. Đôi khi kết quả cũng không được mỹ mãn nếu không nói là thất bại.

Tuy nhiên, dù thành công trên mặt kỹ thuật di truyền, vài vấn nạn lớn được đặt ra là sản phẩm được cấy yếu tố di truyền khác là một sản phẩm an toàn cho con ngưiời và súc vật hay không, cũng như ảnh hưởng của chúng lên hệ sinh thái như thế nào? Các nhà khoa học di truyền cần phải mất một thời gian dài khoảng hai thế hệ mới có thể có câu trả lời.

Ảnh hưởng lên môi trường

Câu trả lời hiện tại của các nhà khoa học và khoa học môi trường là hậu quả của các chủng giống cây trồng có mang yếu tố di truyến từ bên ngoài đều có ít hay nhiều ảnh hưởng tiêu cực lên môi trường sống chung quanh. Cây trồng cũng giống như vi khuẩn, có thể thay đổi di truyền (exchange genetic material) qua cung cách trao đổi phân bón tự nhiên (spontaneous cross-fertilization). Do đó, cây dầu canola đã được thêm yếu tố di truyền mới để tăng thêm sức đề kháng với hóa chất diệt cỏ dại đã, sau một thời gian trao đổiyếu tố di truyền tự nhiên qua cây cỏ dại. Từ đó, cây cỏ dại lại mang thêm tính đề kháng đối với hóa chất diệt cỏ dại trên. Và con người lại phải tìm ra hóa chất mới nếu muốn diệt được cỏ dại nầy.

Đó là một vòng lẩn quẩn và là quy luật của thiên nhiên và cũng là mặt tiêu cực trong việc áp dụng cây trái có mang yếu tố chuyển đổi di truyền. Điều nầy sẽ làm cho môi trường ngày càng ô nhiễm hơn vì trò chơi hóa chất sẽ tái diễn không ngừng ảnh hương lên môi trường sống của con người. Nên nhớ, đại công ty Monsanto là một công ty sản xuất đủ loại thuốc sát trùng, diệt cỏ dại (trong đó có chất da cam!), diệt nấm mốc có tầm vóc thế giới; công ty nầy cũng là một công ty sản xuất thực phẩm lớn ở Hoa Kỳ.

Ảnh hưởng lên con người và thú vật

Con người và súc vật nuôi xử dụng thực phẩm có chứa yếu tố di truyền hàng ngày, hàng năm, hay cả đời! Các công ty sản xuất loại thực phẩm trên dĩ nhiên đã công bố nhiều báo cáo nghiên cứu về tính an toàn của sản phẩm. Ngay cả Cơ quan Thực phẩm và Dược Phẩm (FDA), cũng như Cơ quan Bảo Vệ Môi trường (EPA) cũng chỉ dám phỏng chừng (assume) rằng các loại thực phẩm trên an toàn, cũng như không đề ra định mức an toàn hay khuyến cáo con người cần đề phòng trong việc xử dụng thực phẩm trên.

Hiện tại, đây là một vấn đề rất nhạy cảm cả về phương diện kinh tế lẫn chính trị vì nó liên quan đến nhà sản xuất, chính sách nông nghiệp của quốc gia, cho nên mọi ý kiến ngược lại chiều hướng sản xuất thực phẩm có chứa yếu tố di truyền đều bị đè bẹp ngay từ đầu. Điển hình và vụ BS Pusztai. Bác sĩ đã bị Viện Nghiên cứu Rowett, trực thuộc chính phủ Hoa Kỳ sa thải vì đã công bố những kết luận không thuận lợi với chiều hướng trên trong khi nghiên cứu về chuột. Ông đã làm thí nghiệm cho chuột ăn khoai tây có chứa mầm di truyền chống côn trùng; sau đó đã tìm thấy kết quả là chuột, sau một thời gian ăn khoai, gan bị suy thoái trầm trọng. BS Pusztai bị sa thải vì khoai tây chứa yếu tố di truyền nầy có thể tinh chế được GNA lectin, một loại hóa chất diệt côn trùng mạnh…

Mặc dù hiện tại chưa có cuộc nghiên cứu dài hạn nào về các ảnh hưởng lên sức khỏe của con người và súc vật; vì muốn làm như thế phải ít nhất khảo sát hàng hai thế hệ (60 năm). Do đó, con người chỉ dám nghĩ đến vấn đề nầy một cách tích cực mà thôi (wishfull thinking). Thí dụ: yếu tố di truyến làm tăng lượng sữa sản xuất hàng ngày của bò là rBGH (recombinant Bovine Growth Hormone) chỉ mới xuất hiện trong vòng năm năm vừa qua. Điều nầy hoàn toàn không được kiểm chứng về mức an toàn cho trẻ sơ sinh lẫn người lớn tuổi khi uống sữa nầy. Thêm nữa, bò sữa được cấy hormone như trên sẽ bị ảnh hưởng như thế nào? Vẫn chưa có câu trả lới thỏa đáng. Nhưng qua khám phá trên, kết quả thực tế là Hoa Kỳ có thêm một lượng sữa lớn dư thừa và chính phủ vẫn tiếp tục bao cấp (subsidize) cho người chăn nuôi qua tiền thuế của toàn thể dân chúng đóng góp!

Đối với người tiêu dùng, chúng ta phải hành xử như thế nào trước tình trạng thực phẩm hiện tại từ thực phẩm tự nhiên nguyên thủy cho đến thực phẩm pha chế ngày càng chứa thêm nhiều yếu tố chuyển đổi di truyền với mục đích gia tăng mức sản xuất và lợi nhuận cho nhà chế biến.

Các nhà sản xuất dựa theo mức độ gia tăng dân số phi mã và diện tích nuôi trồng ngày càng bị thu hẹp để bào chữa và cổ súy cho việc cần phải tăng gia sản xuất lương thực qua các sản phẩm có chứa yếu tố di truyền để cung cấp thực phẩm cho toàn thế giới.

Chúng ta, những người tiêu dùng, có lẽ chưa lưu tâm đúng mức tình trạng nầy. Nhất là người Việt Nam chúng ta, thường hay có thói quen không cần biết xuất xứ của sản phẩm đến từ đâu, và đã được chế biến như thế nào? Mà chỉ cần thỏa mãn khẩu vị và vừa hợp với túi tiền là đủ.